#43: Tôi sẽ cho phép mình thử sức với công việc này trong bao lâu?
Đã chọn rồi, mà thi thoảng lại thấy mình hoang mang quá, thì phải làm sao?
Bạn mến, sẽ có những giai đoạn bước đi trên hành trình này, bạn cảm thấy hoang mang tột độ. Vì nhiều lý do: mệt mỏi, khách đì, làm nhiều hơn nghỉ, quá nhiều kỹ năng cần học, quá nhiều điều mới cần được tiếp thu,…
Và sẽ có lúc bạn tự hỏi rằng:
Liệu đây có phải là công việc phù hợp với mình?
Liệu lĩnh vực này có cho mình sự thành công?
Liệu freelancer có là con đường mình nên tiếp tục tiến tới?
Liệu mình có nên quay trở lại công việc văn phòng 8 - 5?
…
Vậy thì, bạn sẽ lựa chọn thế nào, bạn sẽ tìm kiếm câu trả lời cho chính mình ra sao?
–
Trong bản tin này, A Freelance Doer sẽ kể cho bạn một câu chuyện, kèm theo một giải pháp giúp bạn tự làm việc với chính mình. Bất cứ khi nào cảm thấy mông lung với những lựa chọn, bạn hãy thử với nó xem thế nào nhé.
3 năm trước, chị Nguyễn Nhàn bắt đầu hành trình freelancer với vai trò là một cây viết trong lĩnh vực kiến trúc, nội thất. Chị chọn viết vì đó là công việc chị đã có kinh nghiệm từ thời sinh viên. Và trước khi nghỉ việc fulltime, chị đã là Content Leader của một công ty thiết kế xây dựng. Lúc được Mentor gợi ý chọn viết trong lĩnh vực này, chị đã cảm thấy muốn từ bỏ ngay từ đầu.
Lý do ư?
Chị đã quá ngán với việc viết nội dung kiến trúc - nội thất. Chị cảm thấy chẳng còn gì mới mẻ để mà tiếp tục nữa.
Chị nghĩ rằng khách hàng ở khắp mọi nơi, họ cần chị viết mọi lĩnh vực, nếu mình chỉ viết một lĩnh vực duy nhất, thì sẽ không có khách hàng mất.
Chị nhận thấy kiến trúc - nội thất không có tên trong bảng vàng “ngách hot”. Mà lúc đó, chị nghĩ ngách hot mới là chìa khóa để một cây viết tự do thành công.
Nhờ sự phân tích, định hướng của Mentor, chị vẫn chọn viết về kiến trúc - nội thất. Nhưng kể cả khi đã chọn, chị vẫn có dự định “Nếu 2 năm sau không ổn, thì chọn lĩnh vực khác. Thậm chí, chị cũng đã chuẩn bị ngách khác - hot hơn cho mình”.
Trở thành một cây viết tự do, chọn lĩnh vực chuyên môn chỉ là “thủ tục” để người làm tự do sẵn sàng chinh chiến. Nó giống hệt việc đi câu cần chuẩn bị cần, mồi ngon và biết mình cần câu cá gì, ở đâu vậy. Đây mới là lúc chị chính thức bước vào cánh cửa của con đường tự do, đối mặt với không biết bao lần đấu tranh nội tâm dai dẳng.
3 tháng đầu tiên, chị vừa chăm con, vừa thực hành các bài học trong chương trình Freelance Business cùng Mentor. Làm mẹ lần đầu quá nhiều áp lực, cái bóng của thu nhập fulltime còn quá lớn, cộng thêm việc bị tạp chí, báo, khách hàng từ chối, chị bắt đầu khủng hoảng tinh thần, sức khoẻ và muốn dừng hẳn khóa học. Có lúc khách hàng tìm đến, nhưng đã tự hứa với bản thân kiên trì với một ngách duy nhất, chị chọn từ chối.
Chị tự hỏi: Liệu mình có thực sự phù hợp với công việc của một người làm tự do? Áp lực với bản thân đã lớn, chị còn thêm áp lực từ những đồng môn khác trong nghề viết, chị thấy mình vô dụng. Chị luôn tự trách mình rằng: “Tại sao người ta làm được, mình lại không. Tại sao cũng chăm sóc con mà sao họ vẫn ổn mình cứ thế này thế nọ.”
Sau tất cả, chị đi qua cơn khủng hoảng đầu tiên nhờ sự động viên từ Mentor. Nhìn con mỗi ngày một lớn, chị lại tiếp tục tin rằng, nếu linh hoạt thời gian, chị sẽ chăm sóc con tốt hơn.
Chị lại tiếp tục học. Vừa tìm cách tiếp cận khách hàng, vừa chăm con, chị vừa học cách để cân bằng mọi việc.
Khủng hoảng qua đi, niềm vui chạy tới. 3 tháng sau đó, chị được 3 tạp chí chuyên ngành đồng ý cộng tác. Điều này như một nguồn động lực mạnh mẽ đẩy chị nhảy vọt lên. Tiếp theo đó, chị vừa viết tạp chí vừa đồng hành cùng 2 khách hàng. Không còn mất kiểm soát như những lần trước, chị đã nỗ lực để dậy sớm, bắt đầu công việc từ 2h sáng để hoàn thành nhiệm vụ. Biệt danh mẹ bỉm 2h sáng cũng bắt đầu từ đây. Mọi người thường hay ngưỡng mộ chị về chuyện dậy sớm, nhưng lý do thì chỉ có một: Không còn cách nào khác. Mình buộc phải nỗ lực thôi. Từ 5h sáng đến 9h tối mỗi ngày, chị phải chăm sóc con rồi.
Tưởng rằng mọi thứ đã thuận lợi. Nhưng không. Một lần nữa, chị buộc phải huỷ hợp đồng, trả lại tiền vì không thể đảm đương nổi công việc cho khách hàng. Thời gian đó, cả nhà bị Covid, hậu covid, sức khỏe cả nhà (đặc biệt là của con) khiến chị rơi vào đợt khủng hoảng thứ hai. Nhưng lúc này, chị đã không còn ý nghĩ mình không phù hợp, chị cũng không hề nghĩ mình sẽ ngừng viết hay bỏ ngách kiến trúc. Chỉ là, chị thấy buồn và bất lực.
Những lúc này, Mentor lại là người dẫn đường, kéo chị đi lên. Chị được Mentor định hướng kịp thời về công việc lẫn tâm lý. Chị tiếp tục quay trở lại với nhiều thành quả sau đó.
Chị sẵn sàng để trở thành mentor cho chương trình Freelance Business của On Writing Daily.
Chị sẵn sàng làm Moderator rồi tiếp tục trở thành Key Members của A Freelance Doer.
Chị nhận được nhiều lời mời hợp tác khác từ khách hàng, trở thành CTV của nhiều tạp chí lớn: Tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp, Elle Decoration, Tạp chí Kiến trúc đời sống… Chưa bao giờ nghĩ mình sẽ viết được nội dung cho tạp chí chuyên ngành với yêu cầu cao như thế, nhưng giờ chị đã làm được. Không chỉ tự hào, mà chị còn bất ngờ về khả năng của chính mình.
Kể từ đây, chị bắt đầu ký được những hợp đồng lớn với tư cách là một người làm tự do. Chị trở thành người tư vấn. Lúc trước là mentee, bây giờ chị đã trở thành mentor được nhiều người tin tưởng. Và quay lại lĩnh vực kiến trúc - nội thất mà chị đã chọn, nếu ngày xưa chị chưa thấy một người làm tự do nào viết về nó, thì bây giờ chị đã có “đối thủ”. Họ là học viên 1:1 của chị bây giờ. Đi qua tất cả những khó khăn, chị trở thành một hình mẫu người mẹ tự do truyền cảm hứng.
Sau 2 năm nhìn lại, những gì chị có được không chỉ là câu chuyện khủng hoảng và nỗ lực. Thu nhập của chị đã tăng gấp 3,5 lần so với mức lương của một Content Leader trước đó. Không chỉ có tiền, vòng tròn mối quan hệ của chị cũng được mở rộng với những mentor, bạn bè, đồng nghiệp, học viên chất lượng. Mỗi khi khó khăn nhất, chị có Mentor, có gia đình nhỏ (chồng và con) để được hỗ trợ. Và quan trọng, với câu chuyện của chọn ngách, chọn lĩnh vực, chị nhận ra rằng, ngách hot với chị chính là:
Hot = Happy + Opportunity + Turnover
Hot = Hobby + Orientation + Time
Mà để đạt được nó, phải kiên trì đủ thì mới thấy được thành quả.
Hãy lắng lại một chút, hít một hơi thật sâu, và thở ra chầm chậm. Điều gì đang hiện lên trong bạn lúc này? Hãy ghi nhận nó và rút ra bài học của riêng mình nhé.
Có thể, câu chuyện trên sẽ truyền cảm hứng cho bạn để tự tin và tiếp tục nỗ lực. Cũng có thể, câu chuyện trên vẫn khiến bạn tự thấy mình vô dụng, nhỏ bé. Dù bạn đang cảm thấy như thế nào, vì chuyện tự ghi nhận và tự làm việc với bản thân mình cũng là điều không-thể-thiếu.
Vậy chúng ta sẽ làm việc với bản thân như thế nào?
Đây là một phiên thị phạm khai vấn mà mình có cơ hội được tham gia với vai trò là người quan sát. Vì nguyên tắc trong khai vấn là không được tiết lộ bất kỳ thông tin cá nhân cũng như thực tế câu chuyện, nên mình sẽ lấy một ví dụ tương tự và rút ra điểm quan trọng nhất.
Trong buổi trò chuyện đó, Chị X - Coachee (người được khai vấn) đã hỏi một câu thế này:
Em không biết mình có nên quay trở lại công việc văn phòng hay tiếp tục làm freelancer? Tiếp tục làm freelancer như hiện tại cũng tốt, em được tự do làm những việc mình thích, có thời gian tập thể dục, chăm sóc bản thân. Nhưng đổi lại, em cũng lo sợ rằng công việc này sẽ không ổn định.
Chị X đã làm văn phòng trong suốt 5 năm. Khi cả nước rơi vào cảnh lockdown của COVID-19, chị bắt đầu cuộc sống của một freelancer, lúc bấy giờ đã được 3 tháng. Thời điểm đó, chị thấy cuộc sống của một freelancer vẫn rất tốt, nhưng sự ổn định và cả thăng tiến trong công việc trước kia đã mang lại một cảm giác an toàn vững chãi mà chị không dễ để từ bỏ.
Sau khi Coach đặt ra nhiều câu hỏi để chị X suy ngẫm, phân tích những được - mất của hai lựa chọn, chị X vẫn không thể đưa ra quyết định rõ ràng. Thế là Coach tiếp tục đặt câu hỏi:
Vậy em nghĩ là, em sẽ cho phép mình tiếp tục thử sống với công việc tự do này trong bao lâu nữa?
Ngay lập tức, chị X trả lời:
Em nghĩ là em sẽ tiếp tục cho đến cuối năm.
Lúc này mọi thứ được mở ra. Không phải xoáy sâu vào những lựa chọn nữa, mà là cho phép mình tiếp tục trong bao lâu. Cả hai cùng hứa hẹn đến cuối năm để review lại xem mình thế nào, và tiếp tục ra quyết định nếu câu hỏi này vẫn là điều làm chị X băn khoăn.
Bạn thấy đó, đôi khi câu trả lời mà bạn có được lại không phải là đáp án đích xác mà bạn đang tìm kiếm. Và đôi khi bạn nghĩ rằng, mình cần phải tìm một câu trả lời, thì nó lại bắt đầu bằng một câu hỏi. Hãy học cách làm việc với chính bản thân mình để tìm ra câu trả lời phù hợp.
Chúng mình nghĩ rằng, những khía cạnh trong cuộc sống cũng hoạt động theo một vài cách thức tương tự nhau. Chọn một công việc, hay yêu đương một người, cũng vậy. Bạn không thể nhìn thấy hết, khám phá hết những mất, được, tốt, xấu của ai đó, của một điều gì đó chỉ trong vài tháng, một năm. Có lẽ, việc đặt ra cho chính mình và lựa chọn của mình một giới hạn, rồi sau đó nỗ lực là điều cần làm, nên làm, và buộc phải làm.
Để làm gì?
Để chúng ta nhìn rõ hơn, cam kết hơn, và quyết liệt hơn với lựa chọn mà mình đang nắm giữ, với con đường mà mình đang đi. Để nếu hôm nay kết thúc hành trình này ở đây, bạn sẽ không tiếc nuối vì những gì mình đã bỏ lỡ ở phía sau.
Mỗi khi bạn thấy mình phân vân giữa đôi ba lựa chọn, hãy tự hỏi xem:
Nếu chọn phương án A, thì bạn sẽ được gì, mất gì? Còn nếu chọn B thì sao?
Nếu đã phân tích mà vẫn chưa tìm thấy lối ra, bạn có thể bắt đầu với một giới hạn: Tôi sẽ cho phép mình thử điều này trong bao lâu?
Nếu không thể tự giải quyết, hãy đi tìm trợ lực (Mentor, gia đình, bạn bè,...) - người mà bạn tin tưởng.
Và cuối cùng, hãy kiên trì với hành trình, vạch ra kế hoạch để trọn vẹn với khoảng thời gian mình cam kết
Bởi vì đích đến là điều mà chúng ta luôn hướng tới, nhưng trải nghiệm trên hành trình mới là hành trang đáng giá mỗi người mang theo.
Thank you! Cảm ơn bạn vì 1 bài viết hữu ích. Vâng, nếu còn phân vân thì hãy lựa chọn 1 p/a và cho phép bản thân đi theo p/a đó trong khoảng thời gian nhất định và phải kiên trì, hết mình, TRỌN VẸN với khoảng thời gian đó, với lựa chọn đó!
Bài này viết xịn quá nha tác giả