#51: Cuối tuần làm gì để tuần sau tuyệt hơn?
30 phút sống chậm lại làm nên thành công của bạn.
Khi lên kế hoạch và đặt mục tiêu, chúng ta thường lấy thời điểm đầu năm, đầu tháng để làm mốc thời gian cho một khởi đầu mới. Rất hào hứng để bắt đầu một điều gì đó và cải thiện cuộc sống tốt hơn.
Tuy nhiên khoảng thời gian chúng ta hào hứng, nhiều động lực lại chẳng kéo dài bao lâu. Sau vài tuần, thậm chí có người vài ngày là động lực lại xẹp xuống như một quả bóng xì hơi.
Vấn đề là, khoảng thời gian hứng khởi đó khó kéo dài lâu, nếu chúng ta không dành thời gian nuôi dưỡng nó. Và cách để nuôi dưỡng tốt nhất, là hãy dành thời gian suy ngẫm (reflection).
Suy ngẫm là chìa khoá để thúc đẩy sự tiến bộ.
Suy ngẫm ở đây không phải nghĩ nhiều rồi overthinking đâu ạ.
Reflection (còn gọi là suy tư, phản tư) là quá trình suy nghĩ kỹ lưỡng và cẩn trọng về những gì chúng ta đã làm, học được hoặc trải nghiệm trong quá khứ.
Reflection không phải chỉ là mô tả sự vật, hiện tượng, cũng không phải là phát biểu cảm tưởng về những gì đã xảy ra. Mà Reflection nhấn mạnh việc khám phá và lý giải các sự kiện, sự vật, hiện tượng, và hướng tới những sự thay đổi, cải tiến trong tương lai.
Một báo cáo từ Harvard Business School có nhắc đến việc suy ngẫm có chủ đích sẽ giúp bạn Cải Thiện Hiệu Suất trong công việc. Trong đó nói rằng, việc suy ngẫm sẽ làm tăng hiệu quả cho quá trình học hỏi, tăng sự tự tin vào năng lực bản thân. Từ đó dẫn đến tỉ lệ bạn hoàn thành mục tiêu ngày càng cao hơn.
Vậy rõ ràng, thời gian chúng ta dành ra cho bản thân là cực kỳ quan trọng. Giống như câu chuyện về anh chàng vào rừng đốn củi mất 6 tiếng, thì trong đó 2 tiếng anh dành riêng cho việc mài rìu. Quãng thời gian chỉ “mài rìu” đó tuy không tạo ra kết quả trực tiếp trong công việc, nhưng khi quay lại với chiếc rìu bén ngót trong tay, anh vẫn có thể chặt cây nhanh chóng như lúc ban đầu.
Vậy thì chúng ta nên dành thời gian để suy ngẫm như thế nào?
Hiện tại đây là quy trình mà mình và team AFD đã áp dụng để cùng nhìn lại vào những ngày cuối tháng. Bạn có thể tham khảo và áp dụng theo tháng hoặc theo tuần:
Chuẩn bị: Tìm cho mình một nơi yên tĩnh
Trước khi dành thời gian suy ngẫm, mình tránh xa khỏi những gì có thể làm cho bản thân phân tâm trong ít nhất 30 phút, một tiếng càng tốt.
Để điện thoại chế độ máy bay, ngồi ở một nơi thoáng, gần thiên nhiên càng tốt. Không có nhiều đồ đạc trên bàn. Chỉ cần chuẩn bị một số dụng cụ cần thiết như: bút, giấy ghi chú, bảng câu hỏi bên dưới.
Bước 1: Shake - Khuấy động
Trước khi muốn lắng đọng điều gì, bạn sẽ cần khuấy đảo quá khứ lên một chút xíu.
Bằng cách tự hỏi bản thân 4 câu hỏi sau:
Cảm xúc hiện tại của tôi sau khi trải qua một tuần/tháng qua như thế nào?
Những thành tựu tôi đã đạt được sau một tuần/tháng qua là gì?
Tôi có trải nghiệm nào đặc biệt hoặc mới lạ trong thời gian qua không? Tôi đã gặp những thử thách hay khó khăn nào?
Tôi đã nghĩ gì, làm gì khi đứng trước những thử thách đó?
Bước 2: See - Quan sát
Bằng cách đóng vai như một người ngoài cuộc, bạn sẽ bắt đầu quan sát chính mình.
Chuyện gì đã xảy ra?
Bạn suy nghĩ và cảm nhận như thế nào?
Điều gì tốt và chưa tốt về trải nghiệm của bạn?
Hãy để ý xem tâm trạng, cảm xúc, cảm giác và những điều cơ thể bạn mách bảo khi trả lời những câu hỏi đó. Một khi bạn thực sự chú tâm vào bản thân, bạn sẽ nhận ra một số tín hiệu nho nhỏ ở bên trong.
Ví dụ: Bản thân mình khi nghĩ lại quãng thời gian một tháng làm việc cùng rất nhiều người đồng nghiệp khác, đột nhiên mắt sáng lên, lưng ngồi thẳng, vai mở rộng ra. À vậy là mình đang cảm thấy rất tỉnh táo và hứng thú với những trải nghiệm đó.
Ngược lại khi nghĩ về một tình huống khác trong cuộc sống, trong lòng mình lại dấy lên trong lòng một chút gợn nho nhỏ, tay cảm giác hơi ngứa ngáy. Đó là tín hiệu cơ thể báo hiệu rằng mình đang không thoải mái.
Bước 3: Settle down - Lắng đọng
Bước này bạn hãy suy ngẫm và viết ra:
Tôi đã sử dụng đến sức mạnh nào của bản thân trong những thời điểm đó? Tôi đã làm những gì để có được thành tựu tại bước 1?
1-3 bài học tôi nhận được từ các trải nghiệm, thử thách hay khó khăn đó là gì?
Ví dụ: Khi bản thân mình cảm thấy không thoải mái, mình sẽ đứng dậy và đi uống nước. Lượn một vòng quanh nhà và hít thở sâu, nhẹ nhàng. Việc hít thở giúp mình trấn tĩnh lại và xả bớt cảm giác khó chịu đó ra. Vậy sau này, mình có thể hít thở tại chỗ, uống nước tại chỗ để giúp bản thân thoải mái hơn, bởi có thể ở một số tình huống mình không đứng dậy di chuyển được.
Hoặc: Nếu trải nghiệm cùng hợp tác với mọi người khiến mình thích thú và hưng phấn, mình sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác cùng các bạn trong nhiều dự án khác. Bởi vì mình thực sự muốn trải nghiệm cảm giác thú vị đó lần nữa. :D
Bước 4: Setup - Thiết lập
Trong tuần tới/tháng tới tôi sẽ ứng dụng các bài học ở bước 3 ra sao?
Có điều gì tôi muốn được cải thiện?
Cuối cùng bạn hãy lên kế hoạch cho tuần/tháng mới và hẹn lịch suy ngẫm tiếp theo cho bản thân. Bạn có thể tham khảo mẫu mình đang sử dụng tại đây.
Một vài ý tưởng để bạn thực hành Reflection hàng ngày/tuần/tháng:
Viết nhật ký/journal (blog) lưu lại những trải nghiệm, ý tưởng, câu hỏi
Có 1 cuốn log book để record, mô tả, giải thích những sự kiện quan trọng trong project bạn đang thực hiện.
Lưu lại & suy ngẫm về những câu chuyện thành công, hoặc câu chuyện thực hành của ai đó và rút ra những lý giải cho thành công của họ.
——
Bài tập thực hành của bạn tuần này:
Hãy dành thời gian suy ngẫm vào cuối tuần này để chiêm nghiệm lại tuần/tháng vừa qua.
Thời gian để dành cho việc này có thể từ 30-60 phút, tuỳ thuộc vào bạn sắp xếp. Nhưng hãy coi đó là lúc bạn ngồi lại nói chuyện với chính mình. Tập trung hoàn toàn, không đọc sách, không mạng xã hội. Sống chậm lại và lắng nghe bản thân nhiều hơn.
Mình tin là việc thấu hiểu bản thân sâu sắc sẽ giúp bạn thêm tự tin vào bản thân, có những quyết định đúng đắn và tiến nhanh hơn đến mục tiêu của mình.