#68: Cách X10 hiệu quả và giúp bạn tận hưởng niềm vui trong công việc
7 thói quen "nhỏ nhưng có võ" giúp bạn phát triển sự nghiệp tự do
Nhiều bạn thường nghĩ rằng xây dựng công việc tay trái đồng nghĩa với việc phải "bán mạng" cày cuốc, thức dậy lúc 4 giờ sáng hay làm việc quần quật suốt ngày đêm. Đồng ý là có nhiều người làm như vậy và kiếm nguồn thu nhập lớn trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên, mình tin rằng việc “bán sức” liên tục như vậy không giúp bạn đi đường dài được với công việc này.
Mình tin hiệu quả quan trọng hơn chăm chỉ, và bản thân mình - một "kẻ lười biếng" chính hiệu - đã áp dụng những bí kíp này để có thể đi ngủ lúc 9 giờ và dậy lúc 6 giờ vẫn thấy mình “thành công”.
Cần nói qua một chút là định nghĩa về “thành công” của mỗi người cũng sẽ rất khác. Với mình, có được thành công tức là mình đang tận hưởng được những gì mình đang làm. Điều mình làm giúp bản thân phát huy được tiềm năng, kiếm được tiền và bản thân mình cảm thấy thoả mãn, vui vẻ với nó.
Và nếu như công việc bạn đang làm mang lại cho bạn được cả 3 điều đó, thì đó là điều tuyệt vời. Trong bản tin tuần này mình muốn chia sẻ với các bạn 7 bí kíp "nhỏ nhưng có võ" giúp bạn xây dựng sự nghiệp, biến mỗi ngày làm việc trở thành một ngày hạnh phúc. ✨
1. Đặt giới hạn thời gian cho công việc
Làm việc hăng say là tốt, nhưng đừng để bản thân bị cuốn vào vòng xoáy công việc và quên đi giới hạn.
Nhiều bạn chia sẻ với mình rằng, họ từng ngồi miên man cả ngày trên ghế mà tới cuối ngày to do list vẫn còn trắng tinh. Việc gì cũng mới động vào được một nửa rồi lại để dở dang.
Thay vào đó, bạn nên đặt ra khung giờ làm việc cụ thể cho công việc và tuân thủ nghiêm ngặt. Bắt đầu từ việc khoanh vùng thời gian làm việc mỗi ngày. Tiếp theo là phân chia thời gian cho từng đầu việc nhỏ.
Nếu ngày hôm nay bạn chỉ làm việc được 2 tiếng, thì đừng quá tham lam đề ra 5 mục tiêu cần hoàn thành. Trong 2 tiếng đó, bạn cần làm những việc gì, cũng hãy chia thời gian dành cho nó cụ thể. Việc này giúp bạn tập trung cao độ, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà vẫn đảm bảo sức khỏe cho bản thân và các hoạt động khác.
2. Có một hoạt động tái tạo năng lượng
Sau một quãng thời gian làm việc 90-120 phút, não bộ của bạn đã trở nên "căng thẳng" hơn. Đây là điều hết sức bình thường, dựa trên nhịp điệu Ultradian của mỗi người. Để nạp lại năng lượng và sáng tạo cho công việc, bạn cần vài hoạt động giúp thư giãn và lấy lại tinh thần, ví dụ như:
Uống trà và trò chuyện với ai đó
Dành thời gian cho thú cưng
Nấu/Ăn một bữa ngon
Tập thể dục hoặc tham gia các hoạt động thể thao
Đọc sách hoặc nghe nhạc
Một vài hoạt động thư giãn khác theo sở thích: đan lát, vẽ tranh,..
Thường thì các hoạt động bên lề để giúp thư giãn sẽ khoảng 10-15 phút, nên bạn hãy sắp xếp trước kế hoạch nếu hôm nay bạn làm việc cả ngày. Quan trọng nhất là không sử dụng thiết bị điện tử, tránh gây căng thẳng thêm cho não bộ. Nếu không biết làm gì, bạn chỉ cần đứng ở ngoài không gian thiên nhiên và hít thở sâu trong vài phút là được.
3. Suy ngẫm và lập kế hoạch
Để công việc đi đúng hướng và đạt được mục tiêu, bạn cần dành thời gian suy ngẫm và lập kế hoạch cụ thể. Việc đặt ra mục tiêu, kế hoạch cho từng tháng, từng tuần, từng ngày là điều ai cũng thấy quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là sau mỗi giai đoạn đó, bạn cũng cần dành thời gian đánh giá hiệu quả để điều chỉnh chiến lược phù hợp.
Ví dụ tháng này mục tiêu của bạn là tăng thu nhập lên 20 triệu. Tuy nhiên một vài vấn đề khác khiến bạn không để đạt được nó. Vậy bạn cần ngồi lại để đánh giá, xem xét lại các nguyên nhân vì sao mục tiêu không đạt được, điều gì là hiệu quả và điều gì thì không? Tháng sau bạn sẽ cần thay đổi/không thay đổi điều gì để đạt mục tiêu của mình? Đây chính là cách để giúp bạn luôn chủ động và kiểm soát tốt tiến độ công việc.
4. Nghỉ ngơi hoàn toàn một ngày mỗi tuần
Dù bận rộn đến đâu, bạn cũng cần dành cho bản thân một ngày nghỉ ngơi hoàn toàn mỗi tuần. Đây là thời gian để bạn nạp lại năng lượng, thư giãn tinh thần và tránh bị kiệt sức.
Nhiều người hay thắc mắc, làm thế nào để cân bằng được công việc và cuộc sống. Nhưng nói thực thì, chưa ai đặt công việc và cuộc sống lên bàn cân để biết nó có thực sự cân bằng hay không. Mọi thứ là tương đối và theo cách cảm nhận của mỗi người.
Thế nên, nếu bạn muốn có được sự “cân bằng”, thì hãy tập trung vào điều bạn đang làm ở hiện tại. Lúc làm việc hãy tập trung làm, lúc nghỉ ngơi hãy tập trung thư giãn. Vậy thôi!
5. Học hỏi không ngừng nhưng thông minh
Kiến thức là chìa khóa dẫn đến thành công. Tuy nhiên, với nguồn thông tin khổng lồ hiện nay, bạn cần học cách chọn lọc thông tin hữu ích và tập trung vào những kiến thức thực sự cần thiết cho công việc của mình.
Mình cũng là người yêu thích việc học. Nhưng mình cũng sẽ phản đối nếu bạn học mải miết mà thiếu đi sự thực hành, hoặc học chỉ để biết mà không định ứng dụng.
Hãy phân loại kiến thức thành 3 nhóm trước khi bạn học:
Kiến thức học để áp dụng ngay vào công việc: Đây là các kiến thức bạn thường học được từ những người đi trước trong chính lĩnh vực của mình. Không nhất thiết họ đã nổi tiếng, thành công. Đôi khi chính những người “lười biếng” như mình cũng có thể giúp bạn cách làm 1 điều gì đó nhanh hơn bằng 1 công cụ. Các kiến thức để áp dụng là: quy trình, hệ thống, case study, bảng biểu mẫu, công cụ, bài tập thực hành,…
Kiến thức học để hình thành tư duy: Đây là những kiến thức thuộc dạng quy luật, nguyên tắc chung, bản chất gốc rễ,.. Những kiến thức này được chia sẻ đa phần từ những người có tư duy hệ thống, biết đúc rút ra những cốt lõi của vấn đề. Nhóm kiến thức này có thể ứng dụng cho bất cứ lĩnh vực nào, hoặc trong một lĩnh vực rộng lớn chung như truyền thông, kinh doanh. Hình thành được tư duy đúng, bạn sẽ tạo được kết quả đúng sớm hơn.
Kiến thức học để chém gió, giao lưu: Đôi khi có nhiều kiến thức bạn sẽ chỉ dùng trong việc trò chuyện giao lưu. Như những hiểu biết thường thức trong đời sống, phim ảnh, âm nhạc hoặc những câu chuyện để học hỏi, rút kinh nghiệm của ai đó,… Chưa chắc bạn sẽ áp dụng cho bản thân. Ngay cả những drama, khủng hoảng truyền thông cũng có thể là một phần trong nhóm này. Tuy nhiên, kiến thức ở đây cũng sẽ giúp bạn trở nên cởi mở, dễ giao lưu với những người bạn khác.
Nên là, hãy tỉnh táo và phân loại kiến thức trước khi bạn định học hỏi điều gì đó nhé.
6. Hành động ngay lập tức và đừng lừa dối bản thân
Nhiều người có thói quen trì hoãn, chỉ nói mà không làm. Để giảm bớt việc trì hoãn, bạn cần gia tăng tốc độ hành động để biến ý tưởng thành hiện thực.
Trước đây mình thường có rất nhiều ý tưởng trong đầu. Luôn là dự định để về nhà/ngồi máy tính sẽ gõ lại thành bài viết. Tuy nhiên chỉ vài phút sau có thể quên, hoặc bị công việc cuốn đi thế là dừng việc viết lại.
Để giảm cách trì hoãn, mình đã sử dụng công cụ ghi âm chuyển sang văn bản. Vậy là mỗi lần có ý tưởng, mình chỉ việc mở app ra và nói, mọi suy nghĩ sẽ tự động chuyển sang bài viết để mình chỉnh sửa và xuất bản luôn trong ngày.
Ngoài ra bạn có thể tìm hiểu về quy tắc 2 phút. Điều gì có thể làm trong 2 phút thì làm luôn, đừng lừa dối bản thân với những lời hứa hẹn suông mà hãy tập trung vào hành động để tạo ra kết quả.
7. Lắng nghe cơ thể và dành thời gian cho bản thân
Sức khỏe tinh thần và thể chất là nền tảng cho mọi thành công.
Mình từng có giai đoạn mệt mỏi trong suốt 4 tháng chỉ vì coi thường điều này. Mà bạn biết đấy, cơ thể mệt mỏi mà vẫn cần hoàn thành job của khách hàng là một cảm giác không mấy dễ chịu.
Bạn nên chú ý lắng nghe cơ thể của mình và dành thời gian cho bản thân khi cảm thấy mệt mỏi hoặc căng thẳng. Sử dụng một số công cụ theo dõi sức khoẻ, cảm xúc tâm trạng và các dấu hiệu bệnh lý khác cũng là một cách nên làm thường xuyên. Sau vài tháng theo dõi liên tục, bạn sẽ biết chắc chắn rằng khoảng thời gian nào có tinh thần lạc quan, sáng tạo và hiệu quả trong công việc. Tin mình đi, mình đã làm rồi.
Xây dựng sự nghiệp tự do là một hành trình thú vị và bổ ích. Mong rằng 7 bí kíp trên sẽ giúp bạn phát triển công việc bền vững hơn và mỗi ngày làm việc đều là một ngày hạnh phúc. :D