#69: Làm sao để biết bản thân đang tiến bộ hơn mỗi ngày?
Một vài cách đơn giản để giúp bạn quan sát chính mình
Là một Freelancer, chắc hẳn bạn cũng sẽ có những lúc bận rộn với công việc và deadlines. Tuy nhiên, dành thời gian để đánh giá sự tiến bộ của bản thân là vô cùng quan trọng. Việc này giúp bạn tự nhận thức được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Từ đó, biết cách cải thiện, đặt ra những mục tiêu và định hướng phù hợp cho tương lai.
Quan trọng hơn, khi nhìn thấy sự tiến bộ của bản thân, bạn sẽ cảm thấy có thêm động lực để tiếp tục cố gắng.
Có 3 khía cạnh thể hiện rõ nét được sự tiến bộ của bạn trên hành trình làm việc tự do, cần bạn dành thời gian tự đánh giá thường xuyên là:
1.Nền tảng kỹ năng chuyên môn
Đây là yếu tố cốt lõi giúp bạn tồn tại và thành công trong lĩnh vực Freelance. Với khía cạnh này, bạn có thể lên lịch tự đánh giá thường xuyên theo tháng hoặc quý. Hãy tự đánh giá sự tiến bộ của bản thân dựa trên những tiêu chí sau:
Kiến thức chuyên môn: Thời gian qua, bạn có học thêm điều gì mới hay không? Các xu hướng mới, tin tức trên thị trường hay có những điều gì đang thay đổi trong thị trường/lĩnh vực của bạn không?
Kỹ năng chuyên môn: Kỹ năng của bạn có được cập nhật/nâng cao thêm điều gì mới hay không? Bạn có thể giải quyết những vấn đề chuyên môn cao hơn một cách hiệu quả không? Hoặc các vấn đề trước đây làm khó bạn thì hiện tại bạn có thể xử lý chúng dễ dàng hơn chưa?
Khả năng hoàn thành công việc: Với những kiến thức/kỹ năng mới có giúp năng suất làm việc của bạn có được cải thiện không? Các quy trình làm việc của bạn làm có tối ưu hơn trước chưa?
Bằng cách rút ra bài học kinh nghiệm, những điều đã làm tốt và cả những điều chưa tốt sẽ giúp bạn nhìn ra được điểm tiến bộ của mình.
2.Kỹ năng kinh doanh
Ngoài kỹ năng thuộc chuyên môn,
Là một Freelancer, bạn cần tự mình tìm kiếm và thu hút khách hàng nên nhóm kỹ năng kinh doanh cũng đóng vai trò quan trọng trong thành công của bạn. Hãy đánh giá sự tiến bộ của bản thân dựa trên những tiêu chí sau:
Số lượng khách hàng: Số lượng khách hàng của bạn có tăng lên hay không? Nếu có, khả năng thu hút, tiếp cận khách hàng của bạn đã có gì cải thiện vậy? Nếu không, thì lý do vì sao?
Chất lượng khách hàng: Những khách hàng bạn thu hút có đúng là khách hàng tiềm năng mà bạn muốn phục vụ chưa? Bạn có thay đổi điều gì trong việc kết nối, giao tiếp, thuyết phục để có thể hợp tác được với họ không?
Chất lượng dự án: Các dự án bạn nhận có điều gì làm bạn hài lòng/chưa hài lòng không? Các thành tựu bạn nhận được thông qua dự án đó là gì? Các bài học nào bạn đã thu được sau khi hoàn thành dự án? Những kỹ năng mềm khác của bạn (quản lý dự án, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề,…) có gì thay đổi không?
Doanh thu: Doanh thu của bạn có tăng lên hay không?
Lợi nhuận: Lợi nhuận của bạn có được cải thiện hay không?
3.Tư duy và niềm tin
Tư duy hay những suy nghĩ/niềm tin vào bản thân sẽ ảnh hưởng tới những kết quả bạn nhận được. Nếu bạn thường xuyên nghĩ: “Ở ngoài kia đầy người giỏi hơn mình, mình vẫn chưa đủ khả năng để cạnh tranh với họ”, thì về lâu dài suy nghĩ này biến thành niềm tin bạn còn kém cỏi. Niềm tin đó dần hình thành sự thiếu tự tin ở trong bạn, khiến bạn không dám nhận những dự án có độ khó cao, không dám đón nhận cơ hội mới. Chính điều đó làm bạn bỏ lỡ cơ hội phát triển và nâng cao thu nhập.
Vì thế, nên ghi lại những niềm tin, suy nghĩ của bạn trong thời gian qua, xem có gì thay đổi không? Những suy nghĩ đó có thể là về:
Bản thân bạn
Những khách hàng
Thị trường
Sự phát triển
Những cơ hội
Sự kết nối và hợp tác
Và nhớ là tự đánh giá thông qua so sánh với kết quả của bạn trong quá khứ, không so sánh với người khác. Vì mỗi người có một tốc độ phát triển khác nhau. Hãy tập trung vào việc cải thiện bản thân so với chính mình trong quá khứ.
Một số bài tập nhỏ giúp bạn thực hành việc tự đánh giá thường xuyên
Để có thể nhìn nhận được bản thân tiến bộ đến đâu, bạn nên thực hành các bài tập này thường xuyên. Hàng ngày cho đến hàng tuần, tháng, quý.
Ghi chép nhật ký: Mỗi ngày, hãy dành 5 phút để ghi chép lại những gì bạn đã làm, những điều bạn đã học được và những gì bạn cảm thấy về bản thân. Việc này giúp bạn theo dõi các hoạt động, dấu mốc quan trọng và từng bước đi nhỏ của mình. Theo thời gian, khi bạn nhìn thấy sự thay đổi lớn, bạn sẽ biết được là mình đã làm những gì để đạt được mục tiêu.
Tự kiểm tra kiến thức, kỹ năng:
Thường xuyên tự kiểm tra kiến thức bằng cách làm bài tập, thi thử hoặc tham gia các thử thách, cuộc thi.
Việc tự kiểm tra giúp bạn đánh giá được mức độ nắm bắt kiến thức và xác định những phần kiến thức còn hổng để có kế hoạch phát triển phù hợp.
Tìm kiếm phản hồi: Mỗi tháng hoặc quý, hãy tìm kiếm thêm những góp ý, phản hồi từ khách hàng, đồng nghiệp hoặc mentor của bạn. Những người thường xuyên tiếp xúc với bạn cũng có thể đưa ra một vài nhận xét về sự thay đổi của bạn. Phản hồi của họ sẽ giúp bạn nhìn nhận bản thân một cách khách quan hơn, với góc nhìn đa dạng.
Vẽ lộ trình phát triển sự nghiệp: Mỗi 6 tháng, bạn có thể vẽ ra chặng đường phát triển của bản thân theo dạng workline như hình dưới. Theo dõi 2 lần/năm như vậy, bạn sẽ nhìn được sự phát triển của mình rõ ràng hơn. Có thể bạn đang đi lên, có thể đi xuống hoặc đi ngang. Quan trọng nhất là bạn sẽ bắt đầu có sự hình dung về chặng đường tiếp theo, bạn muốn có gì, làm gì. Động lực tăng cao hơn để tạo nên nhiều dấu mốc đột phá.
Việc tự đánh giá bản thân là việc chính đáng và nên làm thường xuyên. Bạn sẽ nhìn ra được sự tiến bộ của bản thân thông qua mỗi ngày làm việc. Biết đâu đấy, đến khi đạt được thành tựu lớn rồi, bạn sẽ muốn quay lại quá khứ, và thầm cảm ơn chính mình vì đã nỗ lực không ngừng.