#63: 3 chiến lược sinh tồn giúp freelancer phát triển bất chấp kinh tế suy thoái
Lập kế hoạch trước cho sự bền vững
Làm việc tự do không hề lung linh như nhiều người tưởng tượng. Đi làm văn phòng, công việc của bạn có thể là chuyên trách ở một khâu cố định. Nhưng khi làm độc lập, bạn sẽ cần kiêm cả nhiệm vụ của CEO, kế toán, marketing, tìm khách hàng, đàm phán và cả chăm sóc thương hiệu bản thân. Nhiều việc không tên có thể khiến bạn mất cả ngày để xử lý và kiệt sức từ đó.
Có không ít bạn freelancer quay lại chốn văn phòng sau một thời gian làm tự do. Nhiều lý do được đưa ra nhưng đa phần bởi vì áp lực phải tự lo, dẫn tới thu nhập không đủ sống.
Trong thời kỳ suy thoái, dòng tiền có thể bị ảnh hưởng hoặc thậm chí cạn kiệt. Khách hàng có thể thu hẹp quy mô dự án để ứng phó với suy thoái kinh tế, đồng nghĩa với cơ hội việc làm ít hơn do kinh doanh cắt giảm. Dẫn tới việc Khách hàng của bạn gặp khó khăn trong việc thanh toán hóa đơn đúng hạn, họ cố gắng thương lượng hợp đồng để đảm bảo các điều khoản tốt hơn như giảm giá thành, giảm bớt việc làm, đôi khi chậm thanh toán. Nhưng tệ nhất, có thể họ sẽ chấm dứt hợp đồng với bạn.
Với tư cách là một freelancer, mình cũng trải qua 3 năm lăn lộn trên thị trường, mình hiểu rằng để sống lâu lên lão làng không phải là chuyện dễ.
Tuy nhiên, không có gì là không thể. Theo báo cáo 2023 của Freelancermap, hơn 59% người làm việc tự do nói rằng tình hình kinh doanh của họ vẫn đang phát triển tốt bất chấp những bất ổn khi làm việc tự do. Bởi họ đã lập kế hoạch cẩn thận để áp dụng các chiến lược sinh tồn nhằm giải quyết công việc tự do trong thời kỳ suy thoái và duy trì dòng tiền của mình, ngay cả trong những thời điểm khó khăn. Bất ngờ thay, đó cũng là những gì mình đang áp dụng để tồn tại, bất chấp giai đoạn bình thường hay những thời điểm suy thoái. Chắc chắn nó cũng hiệu quả đối với bạn.
Cùng xem nhé!
3 chiến lược sinh tồn giúp bạn tự bảo vệ mình
1. Thiết lập hệ thống an toàn tài chính
Suy thoái là thời kỳ không chắc chắn và bạn không bao giờ biết điều gì có thể xảy ra. Mặc dù hiện tại bạn đang hợp tác với những khách hàng lớn mang lại thu nhập ổn định trong tương lai nhưng họ có thể chấm dứt hợp đồng của bạn bất cứ lúc nào.
Vì thế, để luôn sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra, bạn nên xây dựng hệ thống an toàn tài chính.
Tạo nhiều dòng thu nhập để có dòng tiền ổn định
Là một người làm việc tự do, có nhiều nguồn thu nhập để đảm bảo bạn luôn có tiền. Có tiền giúp bạn có quyền được lựa chọn. Bạn không bị áp lực về mặt tài chính, không bị “cơm áo gạo tiền” bủa vây mỗi sáng thức dậy, bạn sẽ có đủ tỉnh táo để lựa chọn nên hợp tác với khách hàng nào mình muốn.
Đây là một chiến lược tốt nhưng cũng sẽ là một thách thức với freelancer. Bạn có rất nhiều cách để gia tăng luồng thu nhập, nhưng ý của mình không phải là gia tăng các dự án, khách hàng. Bởi như thế vẫn chỉ được tính là 1 nhóm thu nhập kiếm được thôi. Phần lớn chúng ta bắt đầu từ đây, cung cấp dịch vụ và kiếm thu nhập thông qua một công việc. Đa phần thu nhập kiếm được rất hạn chế và bạn thường phải đánh đổi thời gian để có được thu nhập này. Đáng tiếc là thời gian của chúng ta đều có giới hạn, không ai đánh đổi được cả đời.
Vì vậy, ngoài việc cung cấp dịch vụ, kiếm job thường xuyên thì đây là gợi ý 1 số dòng thu nhập khác để bạn xây dựng khi là freelancer:
Thu nhập lãi: Gửi tiết kiệm ngân hàng có thể là cách đơn giản nhất mà bạn nên duy trì. Ít nhất nó mang lại cho bạn một điểm tựa trong trường hợp khó khăn bất ngờ xảy ra. Ngoài ra, bạn cũng có thể tạo thu nhập lãi vốn bằng cách mua và bán tài sản. Ví dụ: Bạn mua cổ phiếu trị giá 100 triệu và sau đó bán lại chúng với giá 120 triệu thì số vốn của bạn cũng được tăng lên 20 triệu.
Thu nhập lợi nhuận: Bằng cách bán một dịch vụ/sản phẩm với giá cao hơn giá nhập, bạn sẽ có thu nhập lợi nhuận. Bạn có thể mở một cửa hàng bán lẻ trực tuyến, từ sản phẩm vật lý cho tới các sản phẩm số. Bạn có thể khởi động với các sản phẩm số như ebook, khoá học online,… Có rất nhiều lựa chọn với đa dạng lĩnh vực để bạn bắt đầu.
Thu nhập bản quyền: Đây là dòng thu nhập thụ động được tạo ra bằng cách thiết kế, xây dựng hoặc tạo ra thứ gì đó độc đáo và tính phí cho mọi người sử dụng nó. Tác giả sách là một ví dụ điển hình. Bạn đầu tư chất xám, thời gian để viết bất cứ cuốn sách nào rồi sau đó bán bản quyền tác phẩm cho các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách. Nhạc sĩ cũng là một ví dụ điển hình. Họ có thể bán bản quyền cho các doanh nghiệp, các ca sĩ, công ty thu âm trả tiền để sản xuất, tiếp thị và bán chúng. Nếu bạn có những kho tài nguyên hay, tài liệu giá trị cũng có thể tính phí cho người đọc mỗi năm.
Hãy lên kế hoạch, phát triển từng dòng thu nhập theo thời gian. Một số loại thu nhập sẽ cần có sự đầu tư vốn, một số loại thì có thể bắt đầu từ con số 0. Miễn là bạn đang hướng tới xây dựng các dòng thu nhập này, như vậy bạn sẽ gặt được thành quả trong thời gian tới.
2. Duy trì mạng lưới mối quan hệ việc làm và hợp tác
Để trở thành một freelancer thành công, bạn cần xây dựng một mạng lưới mạnh mẽ gồm những freelancer và chuyên gia khác trong ngành của bạn. Tất cả những freelancer thành công mà mình biết đều có tinh thần hợp tác rất cao. Họ hợp tác cùng nhau trong nhiều sản phẩm, dịch vụ và trong nhiều dự án dài hạn khác.
Bạn có thể sẽ nhận được phần lớn các dự án từ mạng lưới mối quan hệ của mình. Họ cũng sẽ giới thiệu bạn với những người bạn khác của họ. Như trường hợp của mình, 100% khách hàng đều đến từ những mối quan hệ xung quanh giới thiệu. Hoặc là, họ vô tình nhìn thấy sản phẩm do mình làm ra thông qua một khách hàng khác, sau đó chủ động tìm đến mình để hợp tác.
Thêm nữa, với những hợp đồng hiện tại, hãy nỗ lực đàm phán để trở thành hợp đồng dài hạn, bởi điều đó mang lại sự ổn định về mặt tài chính hơn và giúp duy trì kết nối lâu dài với khách hàng.
Để duy trì kết nối với các mối quan hệ của bạn trong thời kỳ suy thoái, điều quan trọng là luôn nắm được thông tin đầy đủ về ngành của bạn. Đồng thời, có quy trình chăm sóc khách hàng, hỏi thăm thường xuyên sẽ giúp bạn không bỏ sót các mối quan hệ quan trọng.
3. Mở rộng dịch vụ và sản phẩm để thu hút nguồn khách hàng rộng hơn
Điều chỉnh và cập nhật các kỹ năng theo xu hướng của ngành
Là một freelancer, công việc của bạn phụ thuộc nhiều vào khả năng hoàn thành công việc xuất sắc – nên bạn cần liên tục trau dồi kỹ năng và thích ứng với ngành của mình. Dành một chút thời gian trong tuần để cam kết học tập sẽ giúp định vị bản thân là một freelancer đáng tin cậy trong ngành của bạn.
Để cải thiện dịch vụ của mình, bạn nên theo kịp những tiến bộ trong công nghệ. Loại bỏ lối tư duy rằng mình không giỏi công nghệ, mình học chậm chạp để mở lòng mình tiếp nhận những cái mới.
Ví dụ: Các trợ lý AI hiện tại đang phát triển rất đa dạng, từ viết lách, tạo hình ảnh, thiết kế,… mọi thứ trở nên đơn giản và nhanh chóng hơn. Thay vì ngồi tự mày mò để làm từ con số 0, bạn chỉ cần tìm hiểu những công cụ nào đang được đánh giá cao và thử trải nghiệm nó một chút, chắc chắn bạn sẽ hiểu và biết cách sử dụng nó thôi.
Tự động hóa quy trình
Những người làm việc tự do cần phải làm việc trên mọi khía cạnh kinh doanh, bao gồm các nhiệm vụ chăm sóc khách hàng, quản trị như lập hoá đơn, quản lý thuế. Thay vì lãng phí nhiều giờ mỗi tháng cho những công việc thường ngày, bạn có thể tận dụng công nghệ để thực hiện tất cả những việc đó cho mình. Thời gian bạn tiết kiệm được có thể được dùng để làm hài lòng khách hàng hiện tại và tìm kiếm khách hàng mới.
Ví dụ: Thay vì phải nhắn tin riêng trả lời từng khách hàng hỏi thăm về dịch vụ của mình, bạn có thể sử dụng một số trợ lý, chatbot như Manychat để cài đặt các tin nhắn trả lời cơ bản về dịch vụ mình đang cung cấp.
Tái Thiết kế dịch vụ và sản phẩm độc đáo của riêng bạn
Đây là chiến lược bạn có thể áp dụng rất nhiều, và lặp đi lặp lại.
Nếu bạn tính phí quá cao, bạn có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng mới. Tuy nhiên, nếu bạn đặt giá quá thấp, bạn có thể có một lượng lớn công việc mà bạn không thể làm xuể, và mệt mỏi với chúng. Điều quan trọng là phải tính mức giá cạnh tranh nhưng vẫn phản ánh được công sức bạn bỏ ra.
Hãy thử nghĩ lại, nếu bạn càng có nhiều kinh nghiệm thì bạn càng có thể tính phí nhiều hơn chứ?
Nếu bạn là một freelancer mới, bạn có thể muốn giảm giá để có được nhiều khách hàng hơn và nâng cao trải nghiệm của mình. Thế nhưng bạn có nghĩ rằng, sẽ có những sản phẩm dịch vụ mà khách hàng chẳng thể so sánh được vì không có một ai bán nó cho họ - ngoài bạn ra?
Vậy hãy thử kết hợp nhiều kỹ năng của mình hơn, để đưa ra những sản phẩm mà ít người có thể cung cấp cho khách hàng. Như thế bạn sẽ có được thị trường trù phú.
Chúng ta hãy xem một số ví dụ về freelancer và cách bạn có thể mở rộng dịch vụ của mình:
Freelance writer ngoài việc viết bài đăng thông thường có thể thêm các dịch vụ sau:
Viết câu chuyện thương hiệu: Tạo ra các câu chuyện sáng tạo về thương hiệu của khách hàng để tăng cường kết nối và tương tác với khách hàng. Điều này bao gồm viết về lịch sử thương hiệu, giá trị cốt lõi, và những câu chuyện kể về nhân vật trong doanh nghiệp.
Tài liệu/Bài viết chuyên ngành: Viết các bài viết chuyên sâu và chất lượng cao về những xu hướng, sự kiện, và vấn đề quan trọng trong ngành công nghiệp mà khách hàng của bạn hoạt động. Nâng cao vị thế chuyên môn của khách hàng trong ngành công nghiệp, tăng cường hình ảnh là người lãnh đạo tư duy, và thu hút sự chú ý từ độc giả và đối tác tiềm năng.
Freelance designer ngoài việc thiết kế các ấn phẩm cho thương hiệu có thể thêm các dịch vụ sau:
Biên tập, chỉnh sửa video: Bạn có thể tạo ra hình ảnh poster và banner cho sự kiện, khoá học, và thiết kế ebook, đồng thời biên tập video quảng cáo, giới thiệu sản phẩm và video hướng dẫn. Khách hàng sẽ tiết kiệm thời gian và công sức khi có thể nhận cả gói đồ họa và video từ một nguồn đáng tin cậy.
Tạo Hình Ảnh Minh Hoạ Cho Nội Dung Blog và Social Media: Tạo ra hình ảnh minh hoạ độc đáo cho bài viết blog, bài viết trên mạng xã hội và các trang web của khách hàng. Bạn có thể kết hợp hình ảnh vẽ tay với thiết kế đồ họa để tạo ra nội dung hấp dẫn và cá nhân. Tăng tương tác và chia sẻ trên mạng xã hội, làm tăng uy tín và sự nhận thức về thương hiệu của khách hàng.
Giữ cho sự nghiệp freelancer của bạn phát triển mạnh mẽ – ngay cả trong thời kỳ suy thoái
Làm việc tự do mang đến cho bạn một mô hình kinh doanh linh hoạt với nhiều khách hàng. Bạn không phụ thuộc vào một nguồn thu nhập duy nhất—nếu bạn mất một vài dự án vì suy thoái kinh tế, bạn vẫn còn những dự án khác để làm. Nó không thảm khốc như mất việc làm.
Bạn có thể biến tiêu cực thành tích cực
Nếu bạn có ít công việc hơn, hãy biến điều này thành lợi thế của bạn bằng cách học hỏi hoặc trau dồi các kỹ năng và công nghệ có liên quan . Sau đó, bạn có thể thêm nhiều dây hơn vào cây cung của mình với các dịch vụ bổ sung, mang lại lợi ích cho khách hàng hiện tại và thu hút lượng khách hàng rộng hơn trong tương lai.
Suy thoái kinh tế cũng cho bạn biết khách hàng trung thành của bạn là ai – những người gắn bó với bạn và thực sự coi trọng dịch vụ của bạn ngay cả khi thời điểm khó khăn. Bạn có thể đáp lại sự ưu ái này khi nền kinh tế phục hồi bằng cách trao tặng cho họ những ưu đãi và các quyền lợi mà không một ai có thể đem lại cho họ.