#48: Freelancer ơi, bạn đang tự học như thế nào?
Chuyện nạp vào - lưu trữ - ứng dụng của một người học
Chào bạn, trong bài viết về chủ đề tự học hôm trước, chúng ta đã nói với nhau về Tự học - suy cho cùng là một cuộc truy tìm kiến thức một cách chủ động. Và tất cả chúng ta đều đã và đang trong một quá trình tự học.
Vậy thì, bạn đang truy tìm kiến thức như thế nào?
Thử tua ngược thời gian về một thập kỷ trước, khoảng năm 2013. Nếu chỉ tính trong phạm vi một lớp học khoảng 43 người (trong một trường cấp 3 ở huyện), thì chỉ có ⅓ trong số đó có điều kiện tiếp cận với Internet. Và mình không nằm trong số đó. Vì thế, đa phần kiến thức chúng mình học được khi đó đến từ sách vở, bài giảng của thầy cô. Thế giới kiến thức chỉ loanh quanh ở một vài người/chủ thể nhất định.
Còn bây giờ thì sao?
Bất kể lúc nào, ở đâu, cần tìm hiểu cho một vấn đề nào đó, mình đều có thể lên Google và tìm thấy ngay, thậm chí là rất nhiều nguồn. Đặc biệt hơn nữa, khi chatGPT xuất hiện, chúng ta còn có thể tiến thêm một bước trích xuất/xác minh những thông tin chất lượng. Các nền tảng học tập bắt đầu được đẩy mạnh, nhiều chương trình học (có phí, miễn phí, giá rẻ, giá rất cao) cũng được chia sẻ rầm rộ.
Với thế giới thông tin ngày nay, chúng ta như một “nàng công chúa, một chàng hoàng tử” được phục vụ bữa tiệc tri thức với:
Sự đa dạng và dồi dào về nguồn thông tin tri thức
Sự tiện lợi của việc tìm kiếm, tiếp nhận thông tin
Nhưng vấn đề là, khi bữa tiệc có quá nhiều món, thì lựa chọn lại trở nên không hề dễ dàng. Đôi lúc, việc tìm kiếm và lựa chọn đâu là thông tin uy tín cũng trở nên khó khăn, đặc biệt là với một freelancer mới & cần học hỏi, trau dồi rất nhiều thứ. Vậy thì làm thế nào để freelancer chúng ta có thể tự học một cách hiệu quả. Những nguồn tri thức nào cần tiếp cận, định dạng nào cần tiêu hoá, nên học từ ai, những kênh nào cho chất lượng?
Chuyện nạp vào
Trong cộng đồng Everyday Insight (Mỗi ngày một chút insight), chị Ngọc Võ - người sáng lập cộng đồng đã chia sẻ:
“Trash in, trash out - đầu vào là rác, thì đầu ra cũng là rác”.
Tương tự với việc chọn lọc inputs để xây nên thế giới quan của mỗi người, càng tỉnh táo chọn lọc bao nhiêu, thì kết quả hình hài thế giới của bạn càng có độ sâu và chất lượng bấy nhiêu.
Cũng trong bài viết này, chị Ngọc chia sẻ về 3 nguồn tri thức và 3 câu hỏi bạn cần trả lời để làm rõ hành trình tìm kiếm tri thức, đi đến nơi mình mong muốn:
3 câu hỏi:
Bạn có biết mình đang ở vị trí nào trên hành trình phát triển của mình không?
Biết rồi thì định hướng của bạn là gì? Hay bạn muốn đi đâu?
Và để đi tới đó, bạn hiện đã có những thứ gì rồi? Thói quen thu nạp thông tin hằng ngày của bạn có giúp đưa bạn tới nơi bạn cần không?
3 nguồn tri thức:
Rohan, blogger của trang A Learning A Day, cũng là một nhà phát triển sản phẩm cho LinkedIn trong đó có LinkedIn Learning đã quan sát thấy trong thời đại ngày nay, chúng ta thường có xu hướng phát triển nhận thức theo 3 nguồn tri thức như sau: