#46: Người mới bắt đầu làm tự do như thế nào khi chưa có kinh nghiệm?
Bài tập 3 bước đơn giản giúp bạn tạo kinh nghiệm cho chính mình.
Xin chào, có phải bạn đã quyết định lựa chọn hành trình tự do nhưng còn băn khoăn về KINH NGHIỆM?
Rồi bạn mắc kẹt giữa thế khó: khách hàng yêu cầu kinh nghiệm trong khi không làm thì kinh nghiệm ở-đâu-ra?
Nếu bạn đã và đang loay hoay tìm cách xoay xở một “lối thoát” thì bản tin hôm nay là dành cho bạn.
Trước khi nghĩ đến chuyện làm sao để có kinh nghiệm, bạn có từng thắc mắc rằng: Kinh nghiệm là gì không?
Hồi mới đi xin việc mình chỉ nghĩ đến kinh nghiệm là những kỹ năng trong công việc thôi. Tức là ai làm lâu rồi thì kỹ năng của họ sẽ thành thạo hơn, hiểu sâu hơn về công việc đó.
Tuy nhiên trang Wikipedia có giải nghĩa về từ “kinh nghiệm” là:
“Kinh nghiệm (tiếng Anh: experience), hay trải nghiệm, là tri thức hay sự thông thạo về một sự kiện hay một chủ đề có được thông qua tham gia sự can dự hay tiếp xúc trực tiếp. Kinh là trải qua, từng qua. Nghiệm là ngẫm, suy xét ”.
Như vậy có nghĩa là Kinh nghiệm của mỗi người đều rất khác nhau, tuỳ vào thời điểm, bối cảnh,.. Kinh nghiệm là sự KINH qua và NGHIỆM lại theo góc nhìn quan điểm của riêng mỗi người, cho dù nói về cùng 1 chủ đề hoặc tham gia cùng 1 sự kiện. Sẽ có rất nhiều loại kinh nghiệm như kinh nghiệm yêu đương, kinh nghiệm học tập, kinh nghiệm du lịch…
Vậy thì nhà tuyển dụng hỏi kinh nghiệm làm việc của bạn là họ muốn được thấy điều gì?
Nếu dựa vào định nghĩa trên thì bạn có thể hình dung kinh nghiệm làm việc là những trải nghiệm, tri thức, kỹ năng hay toàn bộ những điều bạn gom góp và tích lũy có được trong quá trình thực hiện công việc đó. Kinh nghiệm làm việc có sự liên kết giữa Tư duy, Phương pháp và Vấn đề.
Tư duy: Đây là khả năng phát triển về mặt nhận thức. Tư duy làm việc của bạn được thể hiện trong nhiều khía cạnh như cách bạn tiếp thu kiến thức, giải quyết vấn đề, tư duy cũng thể hiện rõ trên chính sản phẩm của bạn dưới nhiều định dạng: chữ viết, hình ảnh…
Phương pháp: Thường được nhắc đến như những quy trình, công cụ, phần mềm, kỹ năng làm việc. Một người nhiều kinh nghiệm thường là họ đúc kết và rút ra được những phương pháp, và liên tục cải tiến phương pháp để giúp công việc được giải quyết nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Vấn đề: Các vấn đề có thể nảy sinh trong quá trình làm việc, có thể đến từ nhiều bên như khách hàng, đối tác, công ty… Người có nhiều kinh nghiệm họ không hoang mang khi gặp vấn đề, bởi họ biết chính nhờ gặp và giải quyết vấn đề đó nên họ mới có thêm kinh nghiệm.
Sở dĩ các nhà tuyển dụng luôn ưu tiên những ứng viên đã có kinh nghiệm làm việc là vì họ không cần phải mất thêm nhiều thời gian để đào tạo lại. Hơn nữa, các ứng viên có kinh nghiệm thường sẽ hoàn thành công việc một cách tốt hơn, có tính chủ động hơn, biết xử lý một số tình huống và tránh được những sai sót trong quá trình làm việc.
Khi bạn biết được những điều trên về kinh nghiệm, bạn hãy nghĩ xem Kinh nghiệm đến từ đâu? Là kinh nghiệm tự hình thành trong bạn hay là bạn chủ động để tạo ra nhiều kinh nghiệm cho mình?