#42: Tôi sẽ trở thành freelancer trong lĩnh vực nào?
Tìm ở đâu xa, lĩnh vực nằm ngay trong chính bạn thôi mà!
Xin chào!
Để mà nói về chuyện chọn làm gì khi trở thành freelancer thì vô chừng lắm. Nó không có một công thức hay mực thước nào tuyệt đối cả. Tất cả đều xuất phát từ chính bản thân của chúng ta, với rất nhiều trải nghiệm, trong mọi khía cạnh. Một ngày đẹp trời, bạn bốc nó ra. Và BÙM… Đó chính là định mệnh dẫn bạn vào con đường freelancer.
Để hiểu rõ hơn những điều này, mời bạn nhìn ngắm điểm khởi đầu của 3 nhân vật sau đây.
Chuyện số 1 - Chuyện trở thành Giáo viên dạy tiếng Việt online cho người nước ngoài của chị Châu Trần
“Xin chào. Mình là Châu Trần. Mình năm nay 33 tuổi và là mẹ của một bé gái sắp 4 tuổi.
Mình bắt đầu với công việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài rất tình cờ. Khi còn là sinh viên chuyên ngành tiếng Nhật, mình có cơ hội được gặp nhiều người Nhật và vô tình trở thành gia sư dạy tiếng Việt cho một vài người. Nhưng lúc đó mình chỉ làm vì sở thích và không thực sự suy nghĩ nghiêm túc về công việc này lắm.
Sau này khi đi làm chính thức ở một công ty về nhân sự của Nhật, mình cũng có nhận dạy thêm tiếng Việt cho khoảng 3 người Nhật vào cuối tuần. Nhưng sau đó vì công việc chính quá bận và không thể tập trung tốt cho công việc này nữa nên mình đã dừng lại.
Đầu năm 2020, trước khi Covid đến mình đã xin nghỉ việc ở công ty nhân sự và chuyển sang làm giáo viên dạy tiếng Việt online tự do.”
–
Chuyện số 2 - Chuyện vào nghề của Health Coach Nam Phương
“Ngày bố mình - một bác sĩ - đột ngột mất vì lý do sức khoẻ, bầu trời như xé toạc làm đôi trước mắt mình. Hai năm đầu, một mặt mình trở nên rất dễ xúc động và có thể khóc suốt đêm mà không lường trước. Mặt khác, mình điên cuồng tập yoga và kiểm soát ăn uống. Trong mình là một nỗi sợ lớn, sợ một ngày nào đó mình sẽ mất tất cả vì một căn bệnh nào đó.
Mình về Đà Lạt, nghỉ công việc cũ. Rồi một ngày, mình chợt nhớ đến khoá học dinh dưỡng mình từng tham dự của một Health Coach. Ngay sau khoảnh khắc nghĩ về công việc của một Health Coach và những gì nó mang lại, mình đã biết rằng cần đi theo con đường này. Đối với mình, đó là một công việc mà đáp ứng đủ các điều kiện của một công việc mơ ước:
Mình ham mê nó
Mình được sử dụng thế mạnh của bản thân hàng ngày
Thế giới này cần nó và trả công cho nó”
–
Chuyện số 3
“Chào bạn, tôi là một người viết tự do (Freelance Writer).
Trước khi lựa chọn viết lách để bắt đầu con đường này, tôi đã cho phép mình thử qua một vài nhóm công việc. Tôi học Marketing, đi làm thêm, đi thực tập, ra trường làm ở một vài nhóm công việc khác nhau. Ngồi ở công ty nghiên cứu thị trường để gọi điện khảo sát khách hàng; đứng đường để bán sữa hạt, thực tập ở phòng media của một công ty BĐS để lên kịch bản, quay dựng, thu voice, nuôi vài trăm account Facebook để tập tành chạy quảng cáo, tìm kiếm mẫu để lên ý tưởng phát triển sản phẩm mới,… và tất nhiên, có cả việc viết nội dung cho Fanpage, viết bài SEO, PR, nói chung là viết lách.
Tôi đã thử qua một vài nhóm công việc kiểu thế, để rồi khi quyết định trở thành một freelancer, tôi đã không ngần ngại chọn Viết là hướng đi cho mình. Bởi vì nhìn lại rất nhiều năm, dường như chẳng có gì tôi làm thường xuyên nhất, làm tốt nhất là VIẾT. Hơn nữa, tôi lại còn có thể kiếm được tiền từ nó. Vậy thì, cớ gì lại không bắt đầu.”
—
Thế nào, bạn nghĩ gì sau khi đọc những câu chuyện trên?
Mỗi người, bước vào vùng đất tự do, đều lựa chọn một hành trình khác biệt. Nhưng điểm chung là, sự lựa chọn của họ đều đến từ một trong những khía cạnh:
Có người bắt đầu từ một trong những trải nghiệm trong quá khứ - như chị Châu Trần
Có người bắt đầu từ một nỗi đau, một khao khát - như chị Health Coach Nam Phương
Có người bắt đầu từ công việc mà họ thích làm, họ có thể làm được tốt nhất - như tôi
Và còn rất nhiều cơ sở khác để lựa chọn nữa
Freelancer hay làm việc văn phòng chỉ là một hình thức làm việc, là niềm tin mà chúng ta theo đuổi, là cuộc sống mà chúng ta khao khát. Còn làm gì khi trở thành freelancer, mới chính là cái mà chúng ta vẫn luôn trăn trở. Chúng ta có thể chọn trở thành một freelancer dựa trên chuyên môn mình đang có, sở thích mình luôn mang theo, trải nghiệm mình đã đi qua, hoặc thậm chí là nỗi đau, là khát khao được thực hiện,…
Tất cả những khía cạnh ấy, đều có thể là một trong những dấu hiệu giúp bạn lựa chọn lĩnh vực phù hợp để bước vào. Và quan trọng là, phải có tiền. Bạn phải nghĩ xem “Mình sẽ kiếm tiền với công việc này bằng cách nào?”
Ở một diễn biến khác, có thể bạn sẽ là một trong những người thế này: Tôi chẳng biết mình thích gì cả, từ lúc ra trường đến giờ tôi chỉ làm một công việc thế này thôi, không có trải nghiệm gì khác. Thế nên, nghe bạn nói xong tôi cũng chẳng biết mình sẽ làm gì.
Không biết làm gì, thì mình làm gì?
Câu trả lời là: Hãy tiếp tục trải nghiệm.
Bởi vì,
bạn sẽ không tìm thấy đam mê, nếu bạn đứng yên một chỗ mà không chịu đi tìm nó.
bạn sẽ không tìm thấy công việc bạn yêu thích, nếu bạn đứng yên một chỗ mà không chịu thử một (vài công việc khác).
Liệu tôi có nên tìm hiểu về những công việc được cho là xu hướng trong lĩnh vực freelancing?
Có chứ. Bạn cứ thử xem. Nó cũng không khác gì việc năm 12 bạn tìm kiếm những nghề nghiệp xu hướng, những tên trường nổi tiếng cả. Câu chuyện của xu hướng thì luôn có, nhưng trước tiên, điều bạn cần làm là quay về với chính mình, dựa trên những tài nguyên sẵn có của mình cái đã, xem đâu là thứ bạn có thể tận dụng để phát triển nó.
Đây không phải là một câu hỏi mà bạn trả lời một lần, chọn xong thì có thể đi cả đời. Có thể, bạn sẽ cần phải trả lời đi trả lời lại nhiều lần trong chặng đường sắp tới, cho đến khi tìm thấy cái “Aha moment” mà bạn biết là đúng rồi, chính nó, phải là nó thôi. Giống như chia sẻ của chị Kim Phượng đã tìm ra con đường của mình. Từ một HR fulltime văn phòng, chuyển sang kinh doanh hạt dinh dưỡng, bước chân vào con đường viết lách tự do, làm host chuyên nghiệp, làm Social Media Manager, và bùm… say mê với con đường của một Community Builder và xem đây chính là chân ái của cuộc đời.
Tiếp tục với câu hỏi ở tiêu đề: Làm thế nào để tôi có thể chọn được lĩnh vực khi trở thành freelancer?
Đây, bạn có thể sử dụng template này để trả lời những câu hỏi cho chính mình.
Lưu ý: Công cụ này không phải là một bài tập ra đáp số chính xác 100%. Bạn có thể tìm ra câu trả lời sau khi làm, hoặc không. Có thể vài tháng, đôi năm sau, bạn sẽ lại thay đổi lựa chọn của mình.
Có thể bây giờ, người đặt câu hỏi này là bạn. Nhưng cũng sẽ có một lúc nào đó, có người đến tìm bạn và hỏi “Em ơi, chị muốn trở thành freelancer, nhưng chưa biết làm gì cả?”. Vậy nên, chúng mình hy vọng những chia sẻ này, cũng như công cụ này sẽ giúp bạn/hoặc những người bạn trong vòng tròn của bạn có thể tìm thấy con đường mà họ muốn theo đuổi.
Chúc bạn tìm ra con đường lớn của riêng mình.
Nếu thoải mái, hãy chia sẻ kết quả này với chúng mình qua:
email/inbox fanpage/comment của bản tin này/hoặc một bài chia sẻ trong cộng đồng
Cách nào cũng được, miễn bạn thoải mái là được.
Và niềm vui sẽ nhân đôi, nhân ba, nhân lên vài trăm, vài nghìn khi rất nhiều người biết bạn đã tìm ra một con đường mới, để sửa soạn đặt dấu chân đầu tiên.
Cảm ơn bạn đã lựa chọn thực hành!
Bản tin này nằm trong chuyên mục The Freelance Beat, nơi tập trung chia sẻ về những bài học và câu chuyện truyền cảm hứng từ người thật việc thật, đi kèm với những hướng dẫn thực hành giúp bạn tạo nên những bước tiến nhỏ trong sự nghiệp kinh doanh tự do. Cùng với đó bạn sẽ nhận thêm những ý tưởng, công cụ, templates giúp bạn nâng cao hiệu suất trong công việc.
Bài viết này chỉ dành riêng cho những ai trả phí để đọc bản tin Make Freelance Work For You. Bản tin sẽ bắt đầu tính phí từ tháng 4/2023. Để tiếp tục đọc chuyên mục này, bạn có thể đăng ký trả phí theo 3 mức: 10$/tháng, 55$/năm và 120$/trọn đời.
Cảm ơn bạn đã chọn theo dõi bản tin!